Đón xuân ở làng du lịch Cơ Tu nơi đại ngàn Trường Sơn

Khi hoa rừng đua nhau khoe sắc cũng là lúc bà con Cơ Tu trở về sum vầy bên gia đình, làng xóm. Mồng 1 Tết, quây quần bên nhà Gươl, người Cơ Tu kỳ vọng một năm mới được mùa, thóc lúa đầy kho, hoạt động du lịch khởi sắc trên bản làng.

Giữ trọn văn hóa Tết

Chúng tôi đến thăm làng Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam khi tiết trời mùa Xuân đang trải khắp trên bản làng, lan tỏa trên từng nếp nhà.

Sáng sớm của ngày đầu năm mới, chị ALăng Thị Mai cùng gia đình tươm tất trong bộ váy truyền thống, chuẩn bị đi chúc tết bà con trong làng.

Quây quần bên nhà Gươl, bà con đồng bào Cơ Tu kỳ vọng một năm mới được mùa, thóc lúa đầy kho – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chị ALăng Thị Mai cho biết, nếu như ngày thường, để thuận tiện cho sinh hoạt, mọi người có thể mặc trang phục hiện đại, nhưng đến Tết, nhất định ai cũng phải sắm cho mình một tấm áo mới, truyền thống dân tộc.

Một trong những nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu vẫn giữ trọn vẹn cho đến ngày nay mà chị Mai yêu thích là tục đi thăm con gái lấy chồng xa, thăm thông gia trong làng.

“Khi đi thăm con gái lấy chồng xa, gia đình nhà gái thường mang theo cơm lam, xôi, thịt. Nếu gia đình bên kia có điều kiện thì họ sẽ mang lại cho mình một con heo, nhưng gia đình kia không có điều kiện thì thôi, mọi người vẫn vui vẻ với nhau và cầu chúc một năm mới đoàn kết, đầm ấp, kết giao lâu bền”, chị ALăng Thị Mai kể.

Già làng BNướch Bao, làng Bhơ Hôồng kể về Tết: “Thường thì Tết mọi người trong làng mới tập trung đông đủ như vầy, bởi thời gian trong năm họ phải lên nương rẫy, rồi ở lại trên nương, có việc lớn mới về thôi”.

Xem thêm >>> Điểm Hẹn Du Lịch : Quảng bá du lịch Việt thông qua chương trình truyền hình thực tế

Bữa cơm đầu năm của đồng bào Cơ Tu – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày xưa, tuổi của người Cơ Tu cũng được tính theo mùa rẫy, chứ không tính theo lịch như bây giờ. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao thoa về văn hóa, người Cơ Tu ngày nay cũng đón Tết Nguyên đán cùng cả nước nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào mình thông qua các lễ hội, trang phục, âm nhạc.

Vào đêm Giao thừa, già làng và các vị cao tuổi sẽ đại diện dâng mâm cơm cúng Giàng, tạ ơn thần linh cho một năm bình an vừa qua và cầu cho sang năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, ấm no. Sau đó, dân làng tập trung về nhà Gươl để hát múa mừng năm mới và tổ chức nhiều trò chơi truyền thống, nơi người trong làng gặp gỡ, trai gái hát giao duyên.

Đến với bản làng Cơ Tu dịp Tết, đi đến đâu cũng được trao những nụ cười, những lời chúc ấm áp và sự tiếp đãi nhiệt tình với những món ăn truyền thống như bánh sừng trâu, cơm lam, Z’rá cùng hương rượu cần… đậm đà hương vị núi rừng.

Kỳ vọng du lịch khởi sắc

Nằm bên dòng sông xanh biếc, làng Bhơ Hôồng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, nét đặc trưng văn hoá đồng bào Cơ Tu. Với thế mạnh đó, từ năm 2013, Quảng Nam đã chọn làng để triển khai du lịch cộng đồng. Đến nay ngoài làm nương rẫy, bà con nơi đây sống nhờ nhiều vào hoạt động du lịch.

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách cứ thế vơi đi. Không đón khách, bà con dân lại chuyển qua đi núi đi làm rẫy, đi rừng, tuy nhiên họ vẫn chờ đợi đón khách bằng việc duy trì hoạt động dệt vải, đan lát; luyện tập những khúc hát giao duyên… vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống vừa tạo nếp sinh hoạt quen thuộc để sẵn sàng đón khách trở lại.

Già làng BNướch Bao (giữa) cùng các già uy tín trong làng kỳ vọng một năm du lịch khởi sắc trở lại trên bản làng – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Bhlhing Blóo, người có uy tín trong làng Bhơ Hôồng chia sẻ, mặc dù đời sống khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song bà con nơi đây đã nỗ lực cùng nhau vượt khó. Bước sang năm mới, ai cũng mong muốn một cái tết đầm ấm, vui vẻ hơn, khách du lịch sớm trở lại để làng nhộn nhịp trở lại.

Trước đây, mỗi năm, làng đón hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú, trong đó chủ yếu là khách quốc tế, nhiều nhất là khách châu Âu từ Hội An theo tour lên đây tham quan, trải nghiệm phong cảnh thiên thiên tươi đẹp miền núi rừng và thưởng thức văn hoá truyền thống đồng bào.

Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thích ứng trong tình hình mới, Quảng Nam là địa phương tiên phong đón khách quốc tế trở lại, bà con nơi đây đang rất phấn khởi; địa phương đã thành lập các tổ giám giám trong thôn, hiện bà con đã tiêm vaccine đầy đủ để có thể đón khách an toàn.

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Đông Giang là huyện miền núi, đời sống đồng bào còn khó khăn, huyện hơn 27.100 người, trong đó người Cơ Tu chiếm 76,43%. Phát huy truyền thống, năm nay vào dịp xuân đến Tết về, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chúc tết các các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã bằng những phần quà thiết thực như gạo, mì chính, áo quần, giày dép…đồng thời tổ chức các chương trình văn hóa, làm tăng thêm tinh thần cho bà con phấn khởi đón Xuân.

Xuân mới đã gõ cửa từng nếp nhà, từng góc núi. Giữa đại ngàn Trường Sơn, đồng bào Cơ Tu đang đón những ngày xuân ấm áp với hy vọng dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống dần thích ứng để bản làng luôn là “những ngày xanh”.

(Theo baochinhphu.vn)