5 bài học khởi nghiệp từ đua xe đạp đường trường

Khởi nghiệp cũng giống như đua xe đạp đường trường, bạn không nên chạy thật nhanh ngay từ khi mới xuất phát.

Là một cựu binh trở về từ Iraq, Chris Nolte nhận ra rằng ông không thể đi xe đạp như trước đây do chấn thương thời chiến.

Năm 2002, Nolte đã phải chịu một vết thương nặng ở lưng, sau một vụ tai nạn xe tải. Mặc dù đã hồi phục, nhưng nhiều năm sau đó, vết thương cũ ở lưng vẫn khiến Nolte đau đớn mỗi khi đạp xe, vốn là sở thích lâu năm của ông. Không nản lòng, Nolte bắt đầu tìm kiếm một cách mới để đi xe đạp.

Ông đã đặt hàng qua mạng một bộ động cơ xe đạp điện, và biến chiếc xe đạp cũ của mình thành xe đạp điện. Nolte cho biết: “Mỗi khi bạn đạp pedal, động cơ điện sẽ làm khuếch đại sức của bạn, khiến bạn cảm thấy mình mạnh mẽ hơn”. Từ đó, Nolte đã mở cửa hàng xe đạp điện riêng của ông vào năm 2011.

Giờ đây, trên cương vị nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của cửa hàng Propel Bikes ở New York, Nolte nhận ra rằng kinh nghiệm khởi nghiệp của ông thực sự khá giống với việc học lái xe đạp. Cả hai đều là những chuỗi hành động cân bằng phức tạp đòi hỏi sự kiên nhẫn, thực hành liên tục, và không ngừng điều chỉnh cho thích hợp.

Đây là 5 bài học kinh doanh mà Nolte đã chiêm nghiệm từ trên yên xe đạp:

1. Chủ động lập kế hoạch, và sau đó bám theo con đường đã chọn

Một số doanh nhân khởi nghiệp không phải là những người giỏi lập kế hoạch. Họ hay phó mặc cho hoàn cảnh, và cố thích ứng với các thay đổi mà họ không chuẩn bị trước để ứng phó. Trong khi đó, những người đi xe đạp đường trường thường tập được thói quen làm mọi việc một cách thận trọng, và đây là một thói quen rất hữu ích.

Một trong những điều đầu tiên Nolte đã làm sau khi thành lập Propel Bikes là cẩn thận vạch ra một kế hoạch kinh doanh theo từng bước một. “Lập kế hoạch cho một chuyến đi xe đạp đường trường đòi hỏi bạn phải suy nghĩ trước một cách chiến lược, bao gồm việc lập bản đồ các điểm quan trọng cần đến, đâu là nơi bạn sẽ dừng lại nghỉ chân, đâu là nơi để hẹn gặp những người khác, và quan trọng hơn hết là xác định địa điểm đến cuối cùng của bạn”.

Nolte khuyên: “Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ làm điều tương tự với dự án khởi nghiệp của mình. Đừng lao đầu vào làm mà không có một kế hoạch nào. Bởi vì, cũng giống như khi đi xe đạp, khi làm thế bạn rất dễ bị lạc đường hoặc không bao giờ tới được nơi bạn muốn đến”

2. Dự phòng trước cho các rủi ro

Đối với người đi xe đạp, nguy hiểm là không thể tránh khỏi. Vì vậy, bạn biết càng nhiều thì bạn sẽ có thể chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống bất ngờ mà bạn không thể lường trước được.

Một cách chuẩn bị tốt là tìm hiểu thông tin từ những người bạn quen biết, dù đó là hội đi xe đạp hay những người bạn kinh doanh. Nolte cho biết: “Tôi đã học được nhiều về những chiếc xe đạp điện bằng cách tự mày mò làm xe đạp cho mình, và bằng cách đặt rất nhiều câu hỏi với những người tôi biết”. Bằng cách đó, “Tôi biết những rào cản nào đang đợi tôi trước mặt và những gì tôi cần phải tránh xa”, dù ông đang bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới.

3. Đừng dốc toàn lực ngay từ vạch xuất phát

Nolte nói rằng việc điều hành kinh doanh cũng giống như chúng ta đang đi một hành trình thật dài. Những người có kinh nghiệm đi xe đạp đều biết mức độ quan trọng của việc giữ sức. Nolte cảnh báo: “Cũng giống như đua xe đạp đường trường, bạn không nên đạp xe thật nhanh ngay từ khi mới xuất phát. Thay vào đó, bạn hãy di chuyển với một tầm nhìn hướng về phía trước, suy nghĩ về những mục tiêu kinh doanh và khoảng thời gian bạn cần phải bỏ ra để giải quyết chúng. Sau đó, hãy điều chỉnh tốc độ của bạn tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp của từng thời hạn mà bạn đã đặt ra”.

4. Tập trung vào phía trước, tránh mọi sự xao nhãng

Việc vừa đi xe đạp vừa ngắm cảnh xung quanh rất thú vị. Tuy nhiên, việc tập trung vào những gì đang tiến đến ngay trước mặt bạn cũng rất quan trọng.

Nolte cho biết: “Nếu bạn nhìn vào một vật gì đó ở ngoài đường đi quá lâu, bạn sẽ có xu hướng trôi theo hướng đó, hoặc tệ hơn, bạn sẽ bị té xe”.

Hiện tượng này gọi là Target fixation (khóa đuôi). Trong các khóa đào tạo lái xe, các hướng dẫn viên luôn luôn khuyên người học là muốn xe đi về hướng nào thì hãy nhìn theo hướng đó.

Khi mắt bạn nhìn theo một hướng nhất định, não của bạn sẽ vô thức tự điều chỉnh cơ thể lái xe chạy theo hướng đó. Đây là một bài học quan trọng mà bất cứ tài xế nào cũng phải nắm rõ.

Nolte nhận ra công việc kinh doanh cũng như vậy, sẽ có những thứ tưởng chừng là việc lớn cần để tâm, nhưng thực ra không đáng để tốn công lo lắng tới vậy. Những lo lắng về công việc kinh doanh hàng ngày có thể làm cho bạn cảm thấy cực kỳ căng thẳng, nếu bạn cứ để cho chúng độc chiếm tâm trí của bạn. Nolte cho rằng: “Nếu bạn bị lạc lối giữa những tiểu tiết, bạn có thể sẽ không nhìn thấy toàn cảnh và hướng đi tương lai cho doanh nghiệp của bạn”.

5. Đừng quá lo lắng vì đối thủ sự cạnh tranh

Nolte cho biết: “Khi bạn tranh đua, bạn sẽ luôn mong muốn chiếm được ưu thế. Nếu bạn bị tụt lại phía sau, bạn phải suy nghĩ xem phải làm gì để đạt được thứ hạng tốt hơn so với đối thủ?”.

Trong một cuộc đua xe đạp, bạn thường không biết có bao nhiêu đối thủ đang ở trước bạn, và bao nhiêu người ở phía sau. Nhưng nếu cứ tiếp tục bị ám ảnh về vị trí của mình như thế, chẳng mấy chốc bạn sẽ rơi vào thế nguy hiểm.

Nolte chia sẻ rằng: “Trong kinh doanh, việc để mắt đến đối thủ cạnh tranh của bạn là hoàn toàn cần thiết, nhưng hãy nhớ rằng bạn đang có cuộc đua của riêng mình ngay từ đầu, một cuộc chạy đua để tồn tại trong năm đầu tiên và lâu hơn nữa. Một khi bạn đã thành công với cuộc đua đó, bạn sẽ có rất nhiều thời gian để nghĩ cách bắt kịp đối thủ”. Ông nói thêm, “Hãy nhớ rằng, kinh doanh là một cuộc đua đường trường”.

Theo DNSG