Dù chưa mở rộng quy mô như các nhãn hàng khác, giữa lúc thị trường trà sữa nở rộ tại Việt Nam, song doanh nhân Nguyễn Hoài Phương – Giám đốc Công ty Golden Trust, đơn vị nhượng quyền duy nhất của thương hiệu trà sữa Gong Cha – tin rằng: Dù đi chậm nhưng sẽ đến đích nhanh.
CEO của Golden Trust tin rằng dù đi chậm nhưng sẽ đến đích sớm.
Chỉ mới có 37 cửa hàng trong khi một số thương hiệu đã đạt con số 90 – 100, cộng với thị trường trà sữa Việt Nam đang bùng nổ là một thách thức cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này, nhưng Giám đốc Công ty Golden Trust – đơn vị nhận nhượng quyền Gong Cha – không nóng lòng mở rộng mạng lưới mà kiên định với cách riêng: đi chậm nhưng sẽ đến đích nhanh.
* Đi chậm nhưng lại đến đích nhanh. Nghe có vẻ mâu thuẫn…
– Mong muốn của những người làm kinh doanh là đi nhanh, đến đích nhanh. Nhưng tùy theo mục tiêu, đích đến của mỗi doanh nghiệp có độ nhanh chậm khác nhau. Có doanh nghiệp đặt đích đến là số lượng cửa hàng, doanh nghiệp khác lại là doanh thu, lợi nhuận. Riêng Gong Cha Việt Nam, mục đích trước tiên của chúng tôi là sự tin cậy của khách hàng nên không thể đi nhanh, đến sớm.
Đã có nhiều doanh nghiệp đến đích quá nhanh nhưng sau đó lại không đủ nội lực để cạnh tranh, phải dừng lại, thậm chí thụt lùi. Vì vậy, chọn cách đi chậm, từng bước, mỗi ngày chúng tôi nhìn lại mình để hoàn thiện dịch vụ và sản phẩm, đến khi đạt mục tiêu thì cũng là lúc đủ lớn, đủ mạnh để vượt lên. Ông bà xưa có câu “Ăn chắc, mặc bền”. Dựa vào câu nói đó, chúng tôi xây dựng triết lý kinh doanh xây vững – đến nhanh.
* Đài Loan là đất nước của trà sữa với nhiều thương hiệu nổi tiếng, tại sao ông lại chọn Gong Cha?
– Du học rồi về nước, tôi có dịp đi đó đi đây, thấy ở Thái Lan, Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan có rất nhiều món ăn, thức uống đường phố vừa ngon vừa mang đậm bản sắc địa phương, trong đó có trà sữa, nhất là ở Đài Loan. Song, nguồn cảm hứng để tôi chọn Gong Cha mang về Việt Nam không bắt đầu từ Đài Loan mà tình cờ một lần đến Hong Kong, thấy người ta xếp hàng rất đông ở cửa hàng Gong Cha.
Bất kỳ cửa hàng Gong Cha nào ở Hong Kong cũng rất đông khách nên tôi tò mò dùng thử. Cảm nhận đầu tiên là Gong Cha ngon và lạ hơn so với nhiều loại trà sữa tôi đã uống tại Việt Nam. Tìm hiểu, biết Gong Cha là thương hiệu trà sữa lâu đời và nổi tiếng ở Đài Loan đã nhượng quyền ra 20 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Malaysia, cả Hoa Kỳ và Canada. Tôi nảy ra ý định mua nhượng quyền thương hiệu này về Việt Nam và thực hiện giấc mơ khởi nghiệp.
* Làm thế nào một người chưa có kinh nghiệm kinh doanh trong ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống, không có nhiều tiền như ông lại được chọn nhượng quyền độc quyền từ Gong Cha?
– Sau khi gửi mail, tôi mất khoảng 6 tháng, nhiều lần bay qua lại để thuyết trình trực tiếp với ông chủ Tập đoàn Royal Tea Taiwan về năng lực cũng như kế hoạch kinh doanh trà sữa Gong Cha tại Việt Nam. Trong thư gửi cho Gong Cha, tôi nói rất thành thật mục đích kinh doanh, đó là mong muốn người dân Việt Nam được thưởng thức một loại thức uống đặc trưng của Đài Loan nhưng phải ngon, giá hợp lý.
Cuối cùng tôi cũng gặp được ông chủ của thương hiệu nổi tiếng này. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bữa cơm trưa với ông, tôi được trợ lý của ông thông báo là tôi đã được chọn. Đến giờ tôi vẫn nghĩ mình may mắn vì họ có nhiều lựa chọn hơn so với tôi – một người trẻ và mới khởi nghiệp.
Dù được nhượng quyền nhưng trước khi ký hợp đồng, tôi và cả ê kíp phải trải qua 2 tháng tại Đài Loan để học cách pha trà, đứng ở tiệm trà trên các đường phố Đài Loan để học cách bán trà và vận hành cửa hàng. Đây cũng là thời gian để chúng tôi thể hiện quyết tâm với công việc. Sau khi kết thúc khóa học và thực hành pha trà tại Đài Loan, chúng tôi phải thi viết và pha trà để được cấp chứng nhận đạt yêu cầu.
* Trong những bài học về văn hóa kinh doanh của Gong Cha, ông tâm đắc điều gì và đã áp dụng thế nào?
– Ở Gong Cha, văn hóa kinh doanh được thể hiện bằng sự tôn trọng, thành ý với khách hàng, luôn đặt mình vào khách hàng để thấu hiểu họ. Ví dụ, một ly nước dù khách yêu cầu có đá hay không thì cũng phải đầy. Ly nước trước khi trao tay khách hàng phải được cẩn thận lau bên ngoài. Để có không gian thưởng trà thoáng mát, chỗ ngồi thoải mái, Gong Cha Việt Nam phải giảm lợi nhuận để chọn mặt bằng lớn, vị trí không quá ồn ào, có chỗ để xe, khu vực vệ sinh riêng.
* Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mỗi năm 20%. Là người trong cuộc, ông đã tranh thủ được tiềm năng này như thế nào?
– Không chỉ giới trẻ, học sinh ưa chuộng mà giới văn phòng, người trung niên cũng thích trà sữa. Phải thừa nhận món trà sữa đã có chỗ đứng nhất định ở Việt Nam, chứ không còn là “phong trào” nữa. Đó là lý do thị trường trà sữa ngày càng sôi động, các nhãn hiệu cà phê lớn, thức ăn nhanh nổi tiếng cũng bán trà sữa. Nhiều người cho rằng tỷ suất lợi nhuận ngành này cao. Tôi không có số liệu để bình luận việc này, chỉ có thể lấy thực tế từ Gong Cha Việt Nam để phân tích.
Tại Gong Cha Việt Nam, chi phí đầu tư lớn, chi phí nguyên liệu cao, vì thế biên độ lợi nhuận không như đồn đại. Tôi bắt đầu kinh doanh vào năm 2014, khi ấy thị trường trà sữa rất nhỏ, đến nỗi khi thuê mặt bằng, biết tôi bán trà sữa, chủ nhà không cho thuê, họ nói kinh doanh tào lao, năm bảy bữa rồi trả mặt bằng. Mấy năm đầu tiên, Gong Cha Việt Nam hoạt động cầm chừng.
Tôi phải làm tất cả mọi việc từ sáng đến tối mà thu không đủ chi. Ngoài chi phí nhượng quyền, tiền đầu tư mặt bằng, trang trí, mua sắm trang thiết bị, ngay cả vật dụng nhỏ nhất như ống hút, ly nhựa cũng phải nhập theo chuẩn của đơn vị nhượng quyền. Để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh, tôi còn mua tủ làm đá, máy lọc nước, ký hợp đồng lâu dài với một đơn vị tư vấn và kiểm định vệ sinh độc lập của Anh.
Chúng tôi có khối văn phòng bao gồm bộ phận vận hành, kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, marketing, huấn luyện, đào tạo được vận hành theo mô hình quản lý chuỗi trên thế giới. Do đó, chi phí đầu tư ở Gong Cha Việt Nam cao hơn mức bình thường, từ 4 – 6 tỷ đồng cho mỗi cửa hàng và mức lãi ròng chỉ khoảng 10 – 15%.
* Điều đó có nghĩa ông còn phải chịu nhiều áp lực?
– Ngay từ đầu, việc kinh doanh trà sữa với tôi đơn thuần là muốn chọn một công việc kinh doanh không lỗ, đủ nuôi sống gia đình. Vì vậy, trong một thị trường đông đúc đua chen như hiện nay, lợi nhuận không còn là áp lực với tôi. Thậm chí, tôi cũng không quan tâm đến đối thủ cạnh tranh.
Áp lực lớn nhất đối với tôi bây giờ là làm sao giữ được sự tín nhiệm của đơn vị nhượng quyền và tạo được sự yêu mến, yên tâm của khách hàng đối với thương hiệu. Chính vì tiêu chí đó mà chúng tôi chấp nhận lợi nhuận thấp để mang lại sản phẩm an toàn, dịch vụ thoải mái cho khách hàng. Khi một sản phẩm được nhiều người tin dùng, lợi nhuận sẽ đến từ số đông. Chúng tôi tự tin về sự phát triển bền vững.
* Một trong những điều thú vị của người trẻ khi làm kinh doanh là sự sáng tạo. Nếu theo mô hình nhượng quyền, ông có cảm thấy bị mất đi sự sáng tạo?
– Sáng tạo không có nghĩa là phải làm ra một cái gì đó mới mẻ, thậm chí ngay cả phải kinh doanh trên nền của cái có sẵn. Một khi biết linh hoạt để thay đổi cách kinh doanh tùy theo đặc thù địa phương cũng là sáng tạo. Với tôi, việc đưa Gong Cha vào Việt Nam hoạt động theo mô hình kinh doanh chuỗi và nâng chất lượng trà sữa lên thành món uống hợp xu thế, có thương hiệu và chất lượng đảm bảo, từ đó tạo ra cú hích cho thị trường trà sữa phát triển như hiện nay đã là sáng tạo.
* Tuân thủ tiêu chí chất lượng và uy tín thương hiệu nhưng Gong Cha Việt Nam lại đi theo hướng nhượng quyền thứ cấp, ông có nghĩ đến rủi ro?
– Đó là lý do tôi rất thận trọng và rất kén đối tác. Hiện nay, Gong Cha Việt Nam mới chỉ có ba đối tác nhận nhượng quyền dù tôi nhận được nhiều lời đề nghị từ các tỉnh thành. Để đảm bảo sự đồng nhất của Gong Cha, nguyên tắc tôi đặt ra là phía đối tác sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thêm bớt liều lượng thì ngay lập tức sẽ cắt giấy phép nhượng quyền. Nếu biết mục đích của đối tác mong muốn kiếm tiền nhanh và nhiều từ trà sữa, tôi cũng không chấp nhận.
Bởi trong lĩnh vực ẩm thực, nếu quá coi trọng lợi nhuận thì rất dễ bị lòng tham dẫn dắt, sẽ đi đến gian dối, cẩu thả trong bán hàng, phục vụ, làm giảm chất lượng sản phẩm và cả nguy hại đến sức khỏe khách hàng. Đã có đối tác đề nghị tôi nhượng quyền và giao hết thị trường khu vực miền Bắc và miền Trung với điều kiện được tự quyết định giá bán và lợi nhuận phải đạt 60%. Tất nhiên là tôi từ chối.
* Theo ông, khó nhất của kinh doanh ẩm thực là gì?
– Kinh doanh ẩm thực, trong đó có trà sữa liên quan đến sức khỏe người dùng nên cái khó là dù cố gắng thế nào cũng dễ gặp rủi ro, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong sản phẩm là ảnh hưởng đến thương hiệu. Với một cửa hàng ăn uống thì tiêu chí đầu tiên là phải sạch, vì vậy phải liên tục đầu tư, nâng cấp. Nói thì dễ nhưng làm rất khó, bởi vòng vốn chi cho đầu tư càng cao thì lợi nhuận càng ít.
* Có nhiều thông tin cho rằng trà sữa không tốt cho sức khỏe và cũng có thông tin nguyên liệu trà sữa là từ Trung Quốc, không an toàn…
– Những thông tin về việc sử dụng nguồn nguyên liệu kém chất lượng từ Trung Quốc khiến nhiều người đánh đồng các thương hiệu trà sữa. Ở lĩnh vực nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì vậy, cách duy nhất để khách hàng tin là qua chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng bây giờ rất dễ tìm hiểu để biết thương hiệu có uy tín hay không. Tôi nghĩ, cơ địa mỗi người khác nhau nên người này phù hợp với loại thực phẩm này, người khác lại không.
Mỗi ngày, một người có thể dùng vài ba ly trà sữa là bình thường, song với người cần kiêng đồ ngọt thì không nên. Vì thế, trên website của Gong Cha Việt Nam, chúng tôi công khai thông tin về calories của từng sản phẩm để người dùng chọn lựa. Sắp tới, chúng tôi sẽ có thêm một số món uống tốt cho sức khỏe, như sữa tươi nổi tiếng của Newzeland và Pháp.
* Sau Gong Cha Việt Nam, ông còn đầu tư vào lĩnh vực khác. Nếu chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, ông sẽ nói gì?
– Khởi nghiệp đang trở thành phong trào. Rất nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo, sinh viên, các bạn trẻ đều thấy các diễn giả khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Tôi không đồng tình việc hô hào khởi nghiệp hoặc làm giàu theo kiểu phong trào, bởi điều đó dễ dẫn đến sự ảo tưởng, tự xem mình có thể “hóa rồng, hóa hổ” một cách dễ dàng mà không cần học hỏi, không cần trải nghiệm, cọ xát thực tế. Thay vì rủ nhau đi học các khóa giảng dạy về làm giàu thì theo tôi, các bạn trẻ hãy dành thời gian làm thuê. Đó là cách trang bị kiến thức trước khi bước vào kinh doanh.
* Ông từng nói bí quyết để giữ nhân viên là nhờ mẹ…
– Trước khi tôi kinh doanh, mẹ tôi nói muốn nhân viên làm cho mình lâu dài thì đầu tiên con phải tạo ra môi trường làm việc ổn định và đồng lương hợp lý. Làm theo câu nói ấy của mẹ, tôi giữ được nhân viên, nhưng bổ sung thêm nguyên tắc: bất cứ lý do gì cũng không trễ lương nhân viên dù một ngày. Nguyên tắc này cũng xuất phát từ khi tôi làm thuê.
Không chỉ đảm bảo đồng lương, ngày lương, tôi còn đảm bảo nhiều quyền lợi khác cho nhân viên. Vì thế mà có một quỹ đầu tư muốn hợp tác nhưng tôi từ chối bởi mục đích của các nhà đầu tư thường nhắm đến lợi nhuận và khi họ nắm được quyền chi phối, tôi sẽ khó đảm bảo được quyền lợi cho nhân viên của mình.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Lữ Ý Nhi
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin doanhnhansaoviet.net.
Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbtdoanhnhansaoviet@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!