Doanh nhân Việt và chiến lược xây dựng thương hiệu

Chất lượng dịch vụ tốt, môi trường kinh doanh thuận lợi, giữ gìn văn hóa công ty… là những yếu tố giúp các doanh nghiệp Việt cạnh tranh.

Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ 

Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Tài sản Dầu khí (PSA) cho biết, thương hiệu chính là doanh nghiệp và ngược lại. 

Vì vậy, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, PSA đã nỗ lực xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp, trong đó có tính kỷ luật, tự giác, tuân thủ qui trình, tạo chất lượng dịch vụ cao, duy trì ổn định chất lượng, tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp… 

Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị PSA. 

Bên cạnh đó, công ty luôn  trì phát triển giá trị đó với chất lượng cao và phong cách chuyên nghiệp… Theo ông Quang, đa số doanh nghiệp vẫn cạnh tranh theo hướng giảm giá sản phẩm dịch vụ để chiếm thị phần. Tuy nhiên, PAS lại hướng đến chất lượng. “Chúng tôi không chấp nhận chất lượng thấp để đánh đổi thị phần”, ông nhấn mạnh. 

Nhờ đó, hơn 10 năm phát triển, thương hiệu PAS dần khẳng định vị thế trên thị trường, trở thành đơn vị thành viên quan trọng của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco). Năm 2016, công ty cũng đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia. 

Doanh nghiệp cần “môi trường sạch” 

Chia sẻ về chiến lược xây dựng thương hiệu, ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Secoin cho biết, thương hiệu tốt phải dựa trên nền tảng cơ bản là lượng tốt, hệ thống chiến lược của doanh nghiệp, hệ thống quản trị, hệ thống nghiên cứu phát triển, marketing… 

Ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Secoin 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội thuận lợi để vươn ra thị trường thế giới. 

Cùng với đó, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang cận kề và làm thay đổi nhanh chóng về cách thức sản xuất. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt cần hướng đến các sản phẩm mang thế mạnh riêng của Việt Nam hoặc những sản phẩm mà thế giới chưa làm. Đó là cũng thị trường ngách mà doanh nghiệp có thể tận dụng để chiếm lĩnh thị phần. 

“Chúng ta đang trong cuộc chơi toàn cầu, hàng rào thuế quan xóa bỏ, nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp muốn tồn tại phải có suy nghĩ toàn cầu. Trong cuộc chơi toàn cầu cần tham gia chuỗi sản xuất thì mới bền vững và thành công hơn là hoạt động riêng lẻ”, ông Đinh Hồng Kỳ nhấn mạnh. 

Theo ông Kỳ, để làm điều đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần các chính sách cần rõ ràng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch.

Giữ gìn văn hóa doanh nghiệp 

Theo bà Trần Thị Thu Diệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ngọc Diệp, ngoài chất lượng, môi trường kinh doanh, việc gìn giữ văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố góp phần xây dựng thương hiệu thành công. Trong đó,  người đứng đầu doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. 

“Chỉ có lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp mới hiểu rõ sâu sắc và đưa ra các thông tin cần thiết cho việc xác lập các nền tảng của doanh nghiệp. Đồng thời họ cũng là người đưa ra các quyết định về định hướng, các hoạt động cũng như sự thành công của doanh nghiệp”, bà Diệp nói. 

Bà Trần Thị Thu Diệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ngọc Diệp. 

Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải tự phát huy nội lực của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh, việc xây dựng và phát triển thương hiệu đặc biệt quan trọng trong môi trường kinh tế hội nhập. 

“Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển các sản phẩm mới, xây dựng và gìn giữ văn hóa doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao uy tín, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp của mình để nâng cao chất lượng cạnh tranh trên thị trường”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ngọc Diệp chia sẻ thêm. 

Huệ Chi/ Vnexpress