Thời đại 4.0 mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho người trẻ, buộc phải đổi mới tư duy, học cách tiếp cận, sẵn sàng thích nghi với các yêu cầu mới.
Đó là chia sẻ của các doanh nhân – diễn giả tại buổi giao lưu Doanh nhân – Sinh viên với chủ đề Lập nghiệp thời 4.0 tại Học viện Ngân hàng. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2018 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.
Hơn 200 sinh viên của Học viện Ngân hàng đã được nghe những kinh nghiệm thực tiễn từ các doanh nhân: Ông Hoàng Tùng – Sáng lập, CEO Pizza Home, đồng sáng lập xưởng tranh phẳng Mopi; bà Nguyễn Huyền Phương – Đồng sáng lập, CEO cộng đồng du lịch thiện nguyện V.E.O; bà Bùi Nguyệt Anh – Sáng lập, CEO GeneCode Việt Nam; và ông Vũ Trung Hiệp – CEO, ECD LinkStar Communications.
Thời đại 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ mang đến nhiều cơ hội lẫn thách thức cho những bạn trẻ. Để đáp ứng được yêu cầu mới, đón lấy cơ hội và vững vàng hơn với những thách thức đó, các doanh nhân khuyên sinh viên cần đổi mới tư duy, chủ động hơn, và thường xuyên cập nhật những xu hướng mới của thế giới
Tuy nhiên, cập nhật cái mới không có nghĩa là các bạn trẻ phải vội vàng, gấp rút để khởi nghiệp sớm. Bà Nguyễn Huyền Phương cho rằng không bao giờ là muộn để khởi nghiệp, nhưng sẽ luôn có những người khởi nghiệp quá sớm khi chưa đủ kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ,… Các diễn giả đồng quan điểm rằng, các bạn sinh viên nên tận dụng thời gian đến trường để tích lũy phương pháp học tập, khả năng thích nghi, kỹ năng làm việc, khả năng ngoại ngữ, tìm hiểu các xu hướng thế giới… nhằm có đủ hành trang để lập nghiệp. Link bài viết
Trả lời câu hỏi khởi nghiệp nên đi một mình hay tìm người đi chung, doanh nhân Hoàng Tùng nói: Có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì tìm người đi chung”. Mỗi kiểu đi có lợi thế và bất tiện riêng, chọn cách nào là tùy mục đích của mỗi người. Và theo ông Tùng, 3 “mảnh ghép” hoàn hảo cho một công ty phát triển là một người làm marketing, một người phụ trách sản phẩm, và một người lo phần quản trị.
Với câu hỏi thế nào là một ứng viên lý tưởng đối với nhà tuyển dụng, bà Nguyệt Anh cho rằng, mỗi công việc, mỗi vị trí tại doanh nghiệp cụ thể đều có những yêu cầu nhất định. Trong cách tuyển dụng mới, ứng viên không chỉ được phỏng vấn bởi bộ phận nhân sự mà có thể phải được xem xét bởi một nhóm – đội ngũ những người sẽ làm việc trong tương lai. Chính đội nhóm này sẽ quyết định xem kỹ năng, khả năng hòa hợp của ứng viên có đáp ứng được công việc và văn hóa của công ty hay không.
Bà khuyên sinh viên cần cập nhật hình thức tuyển dụng này để bổ sung những kỹ năng cần thiết, không bỡ ngỡ với yêu cầu mới. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh, dù ở vị trí công việc nào, nền tảng quan trọng nhất mà sinh viên cần xây dựng ngay từ bây giờ chính là giá trị sống, tinh thần và thái độ đúng đắn. Đó chính là những yếu tố quyết định người đó có thành công trong công việc hay không.
Với câu hỏi “Nếu phải lựa chọn một trong hai ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ chọn người thể hiện sự sáng tạo hay người có thái độ làm việc tốt?”, bà Huyền Phương cho biết, trên thực tế, nếu người phỏng vấn là nhà quản trị, ứng viên có thái độ làm việc tốt chắc sẽ được điểm cao hơn; tuy nhiên nếu người tuyển dụng là giám đốc điều hành thì cơ hội lại dành cho người có ý tưởng sáng tạo.
Vì vậy, người ứng tuyển cần tìm hiểu xem mình sẽ tiếp xúc với ai trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng để có cách ứng xử phù hợp nhằm gây ấn tượng tốt nơi nhà tuyển dụng.
Ông Vũ Trung Hiệp cung cấp thêm một góc nhìn mới cho sinh viên về khởi nghiệp hay lập nghiệp: Bạn có thể trở thành một nhân viên ưu tú tại một công ty nào đó, trở thành startup làm chủ doanh nghiệp của chính mình, hay trở thành một nghệ sĩ, một nhà khoa học, hoặc bất kỳ một ai khác… tất cả đều là những con đường xây dựng sự nghiệp đáng được khuyến khích, miễn nó phù hợp với năng lực của cá nhân và có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo DNSG
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin doanhnhansaoviet.net.
Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbtdoanhnhansaoviet@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!