Nếu các gia đình Việt có thể tự xử lý nước mưa đổ xuống nhà mình, thì sẽ giảm tải áp lực thoát cho hệ thống cống ngoài đường.
Ông Bùi Mẫn – Tiến sỹ ngành Cơ khí dân dụng, trường Đại học Southampton (Anh Quốc) chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết gợi ý cách sử dụng nguồn nước mưa hiệu quả, từ đó góp phần giảm ngập, bảo vệ hệ sinh thái:
Ngập nước tại các thành phố ở Việt Nam ngày càng phổ biến, diễn ra thường xuyên và rất nhanh sau các trận mưa. Những biện pháp chống ngập đang áp dụng tiêu tốn chi phí khá cao và không hiệu quả. Trong bài viết này, tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm gợi ý về trách nhiệm của các cá nhân và gia đình trong việc sử dụng nguồn nước hiệu quả, từ đó góp phần giảm ngập, bảo vệ hệ sinh thái.
Mỗi gia đình đều có trách nhiệm tiêu nhanh nước mưa
Hãy để nước mặt trở về với hệ thống tự nhiên mà nó thuộc về. Tỷ lệ thấm của nước mặt vào hệ thống nước ngầm hiện nay tại các đô thị ở Việt Nam là rất nhỏ, do thiếu trầm trọng diện tích bề mặt có độ thấm cao, như đá sỏi, thảm cỏ, sân vườn. Đây là hệ quả đáng tiếc của của quá trình xi măng hoá đô thị.
Ở nước ngoài, mỗi gia đình đều có tỷ lệ đáng kể diện tích vườn trước, vườn sau, hoặc các khoảng sân có bề mặt làm bằng sỏi, có tác dụng tốt giúp cho nước mưa thấm nhanh xuống đất, ngoài ra còn giảm vận tốc nước chảy tại bề mặt.
Hệ thống nước mưa từ các mái nhà ở Anh thường được thu gom đổ trực tiếp ra các hố ga thu nước. Điều này dẫn đến phần lớn lượng nước mưa đi vào lòng cống bỏ qua giai đoạn chảy tràn mặt.
Mỗi gia đình ở các đô thị Việt Nam đều có thể thực hành tương tự, tạo điều kiện để nước mặt thấm vào lòng đất và dẫn nước mưa chảy trực tiếp từ máng xối vào hố thu nước gia đình. Tưởng tượng, nếu tất cả gia đình ở các đô thị tại Việt Nam đều làm được điều này thì lượng nước chảy tràn bề mặt đã giảm đi phần nhiều.
Trách nhiệm đơn giản còn lại sẽ do hệ thống cống ngoài đường được thiết kế với các thông số kỹ thuật như thế nào để đảm bảo đường chảy ngắn nhất đến các hệ thống kênh, sông, hồ điều tiết và đảm bảo nước trong hệ thống cống không trào ngược lên mặt đường. Để tăng hơn nữa tốc độ thoát nước, chúng ta còn có thể kết hợp sử dụng máy bơm công suất lớn tại các cống cái (với các cửa cống có van chống triều cường) nếu xét thấy cần thiết.
Về trách nhiệm quản lý, chính quyền có thể đưa ra các quy định bắt buộc, kết hợp cùng các biện pháp khuyến khích hỗ trợ, giúp các cá nhân, và các công ty tổ chức thi công thu dẫn 100% nước từ mái nhà vào hố ga thoát nước của gia đình. Xã hội hoá sẽ làm tăng nhanh quá trình giải quyết vấn đề. Đây là trách nhiệm của toàn cộng đồng.
Thu nước mưa để sử dụng
Hiện nay, sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt và sản xuất khá phổ biến ở Việt Nam, trong khi đó lại lãng phí nguồn nước mưa. Việc bơm nước ngầm trên diện rộng không có sự quản lý chặt chẽ như hiện nay về lâu dài sẽ dẫn đến hạ thấp mực nước ngầm và sự lún sụt địa tầng trên bình diện rộng như đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như các hệ quả khác về môi trường. Cho nên phải hạn chế sử dụng nước ngầm thông qua việc quản lý hiệu quả của nhà nước.
Chúng ta cần thay đổi quan niệm, cần xem “nước mưa là một tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế”. Trên thế giới ước tính có khoảng 300 triệu người thiếu nước ngọt sử dụng. Nhiều vùng thuộc Trung Đông, Úc châu, Singapore, Mỹ… đã phải loại muối khỏi nước biển với chi phí khá cao (1.0 USD/m3) để có nước sử dụng.
Thay vì để nước mưa từ mái nhà chảy trực tiếp vào hố ga thu nước như đề nghị ở phần trên, tối ưu hơn, mỗi gia đình có thể thu nước mưa để sử dụng nhằm giảm lượng nước ngầm hút ra khỏi lòng đất và giảm lượng nước thoát vào mặt đường.
Từ xa xưa, chúng ta có truyền thống sử dụng các chum (lu nước) có nắp đậy để hứng nước mưa sử dụng như ở miền Tây Nam Bộ. Truyền thống này có thể được phát huy cho thời đại mới với sự áp dụng của các tiến bộ kỹ thuật.
Để tiết kiệm diện tích, đặc biệt cho nhà phố có diện tích hạn chế, mỗi nhà có lắp đặt hệ thống thu nước mưa với bể kín (tank) bằng nhựa PVC (có gia cố) đặt dưới sàn nhà). Các bể kín cho quy mô gia đình với dung tích 2m3, 3m3, và 5m3 được chế tạo sẵn tại nhà máy và dễ lắp đặt.
Do chi phí nước khá cao tại các nước, ngày càng có nhiều hệ thống thu nước mưa được lắp đặt và dần trở nên phổ biến trên thế giới. Tại Anh, mỗi gia đình phải trả tương đương 96 nghìn đồng cho mỗi m3 nước được sử dụng, bao gồm chi phí cấp nước (46 ngàn đồng/m3) và chi phí xử lý nước thải (50 ngàn đồng/m3), theo nguyên tắc tính thể tích nước thải ra bằng thể tích nước cung cấp. Lưu ý, tại Anh, nước thải được thu và xử lý trước khi trả nước về môi trường.
Trong tương lai, khi nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi đổ ra sông, thì chi phí xử lý nước thải sẽ được áp dụng ở Việt Nam. Vì vậy, việc lắp đặt hệ thống thu nước mưa ngoài lợi ích với môi trường, giảm ngập, còn có giá trị kinh tế. Các chung cư, khu thương mại, hoặc công sở, nhà máy cũng nên lắp đặt hệ thống thu nước mưa với các bể chứa kín với dung tích lớn cho mục đích thương mại.
Việc tính dung tích của bể sẽ phụ thuộc vào diện tích mái nhà, và lượng mưa địa phương. Với lượng mưa trung bình năm tại Hà Nội, TP HCM khoảng 1.800mm đến 2.000mm, thì nên sử dụng bể có dung tích 5m3. Nước mưa trước khi chảy vào bể sẽ đi qua hệ thống lọc, rồi nước mưa được bơm lên cao rồi sử dụng để thay thế nguồn nước ngầm.
Vấn đề đặt ra là việc lắp đặt làm sao đảm bảo kỹ thuật, để hệ thống có tuổi thọ lâu dài. Lưu ý, ở Việt Nam máy bơm nếu có độ bền không cao thì nên đặt trên mặt đất để dễ bảo trì sửa chữa.
Chính phủ cần khuyến khích trợ giá và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng lắp đặt các loại bể chứa nước mưa này.
Về mặt quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng cho các nhà, chung cư, khu thương mại sẽ được xây mới… chính phủ cần tiến đến ban hành các quy định và khuyến khích về phát triển bền vững, về cách thu gom và sử dụng nước mưa, mái nhà với pa-nô năng lượng mặt trời, cũng như tỷ lệ diện tích mặt thoáng (bãi cỏ, vườn cây, đá sỏi) để giúp nước mưa thấm nhanh.
Bùi Mẫn/VNE
Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin doanhnhansaoviet.net.
Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbtdoanhnhansaoviet@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!