Từ những năm 2005 thì cụm từ “tình nguyện” được nhắc đến nhiều hơn với giới trẻ Việt, nhiều hoạt động đã thu hút giới trẻ tham gia, từ thành thị đến nông thôn từ vùng cao đến Biển đảo. Để có cái nhìn đa chiều về công tác tình nguyện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Văn Tới, người được coi là có bề dày trong công tác này.
PV: Thưa anh, được biết anh là người đã tham gia làm công tác tình nguyện nhiều năm?
Nói nhiều thì tôi chưa chắc đã là người nhiều nhất. Lần làm công tác tình nguyện đầu tiên là hè năm 2006, khi đó tôi đang là sinh viên năm 2. Tính đến giờ thì vẫn chưa được 12 năm.

PV: Anh có thể chia sẻ về những hoạt động mà mình đã tham gia hay trên cương vị thủ lĩnh?
Câu hỏi của bạn tuy không khó trả lời nhưng nếu trả lời đủ thì chắc có lẽ chúng ta sẽ hết giờ nghỉ trưa và chắc tôi sẽ phải nhịn đói mất. Tôi cũng đã tham gia tình nguyện và các hoạt động cộng đồng từ năm 2006 như tôi đã nói, ngày đó tôi chỉ là thành viên trong câu lạc bộ của trường đi giúp các địa phương làm đường, sửa các công trình công ích hay đi vét vương khơi thông dòng chảy cho việc tưới tiêu của nông dân.
Thời còn sinh viên thì tôi không có nhiều thời gian cho công việc này vì còn phải đi làm thêm kiếm tiền đi học, mà học 2 trường 1 lúc thì bạn đủ hiểu rồi. Khi ra trường và tự thành lập doanh nghiệp thì tôi có nhiều thời gian hơn, thường các ngày cuối tuần tôi hay đi trao quà cho các gia đình khó khăn, bệnh tật, gia đình nạn nhân da cam. Mãi đến năm 2015 tôi mới bắt đầu tổ chức các sự kiện cộng đồng từ Thành phố Hồ Chí Minh rồi Hà Nội, chủ yếu tôi làm ở Hà Nội thôi vì tôi ở đây.
Tôi chắc không thể ngồi kể được hết các sự kiện nhưng tôi tập trung vào nạn nhân da cam, phụ nữ và trẻ em, vào môi trường và giúp đỡ các bạn sinh viên…
PV: Vậy thưa anh, yếu tố nào có thể làm tốt công việc tình nguyện?
Công việc này ai cũng có thể làm, chỉ cần có sức khỏe, nhiệt huyết, thời gian và cả đam mê nhưng không phải ai cũng gắn bó được lâu dài. Có nhiều bạn cũng làm nhưng chỉ được 1 thời gian ngắn lại “nghỉ hưu non” vì họ có nhiều thứ chi phối và thiếu nghiêm trọng sự đam mê.
Ví dụ như tôi ngoài cần có những yếu tố trên thì nhất thiết phải có chút tài chính để duy trì các hoạt động… Thực ra thì công tác tình nguyện nổi lên mạnh từ năm 2005 thôi, khi các trường học, các tổ chức và cá nhân lập ra nhiều chương trình hành động nhằm giúp đỡ những vùng khó khăn.

PV: Được biết, anh đã thành lập CLB Từ thiện Quốc gia và đang hoạt động rất mạnh. Anh có dự định gì thêm cho công tác này không?
Có chứ bạn, khi đam mê đã ngấm vào máu thì luôn phải nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo để giúp cộng đồng được nhiều hơn. CLB Từ thiện Quốc gia đã tổ chức được rất nhiều chương trình và trao được rất nhiều phần quà đến gia đình nạn nhân da cam khó khăn, giải quyết rất nhiều điểm rác tự phát lớn tại Hà Nội trong 2 năm qua. Ngày 1/1/2018, ngày đầu của năm tôi đã cho ra đời Tổ chức Tình nguyện Việt Nam gọi tắt là VOVN.
Mong muốn của tôi thì VOVN sẽ có ít nhất 10.000 thành viên chính thức để làm các công việc tình nguyện và từ thiện. Các công việc chúng tôi hướng tới là tiếp tục làm sạch các con sông con kênh và rác tại Thủ đô, đến các vùng kinh tế khó khăn để hỗ trợ… Đặc biệt tôi muốn hỗ trợ tất cả các thành viên trong Tổ chức này có nhiều kỹ năng hơn, có cái nhìn tốt hơn vào cuộc sống và cố gắng hơn ở mọi mặt vì các bạn chủ yếu là học sinh sinh viên.
Ngày 14/1 này chúng tôi có buổi gặp mặt đầu tiên tất cả các thành viên tại Trung tâm huấn luyện vận động viên cấp cao Hà Nội để phổ biến công việc và giao nhiệm vụ.
PV: Cảm ơn anh về những chia sẻ, chúc anh thành công hơn với những dự định cho cộng đồng của mình.
Di Hân

Bạn đang đọc bài viết trên trang thông tin doanhnhansaoviet.net.
Mọi thông tin đóng góp vui lòng gọi Hotline: 090 377 2086 hoặc gửi về địa chỉ email: bbtdoanhnhansaoviet@gmail.com.
Nếu Bạn cảm thấy bài viết mang lại giá trị hãy LIKE và SHARE nhé!